[Update] Lũ Lụt Miền Trung 10/2010
Chắc hẳng anh chị em đã biết thông tin lũ lụt của đồng bào miền trung, BBT cũng xin hòa cùng lời kêu gọi các mạnh thường quân ủng hộ cho đồng bào
Mọi đóng góp xin liên hệ chị Mai Trâm – 0908.602.947
Toàn bộ số tiền cứu trợ sẽ được gửi về cho Ban Cứu Trợ – Chùa Diệu Giác, Quận 2, Tp.HCM
Xem thêm về chương trình quyên góp Hướng Về Miền Trung 10/2010
*****
Tin bão Miền Trung: (tính đến 11.10)
Số người chết: 66 người (Quảng Bình: 45, Hà Tĩnh 12, Nghệ An 6, Quảng Trị 3)
Số người mất tích: 17 người
Số người bị thương: 75 người
Quảng Bình: chìm 1 tàu dân, mất tích 1 tàu khách
Thiệt hại vật chất: 2.562 tỷ (Quảng Bình: 1.400 tỷ, Hà Tĩnh 850 tỷ)
Diện tích vùng ô nhiễm: 6.300 ha
Số người không có nước sạch để uống: hơn 100.000 người
******************
MỘT SỐ HÌNH ẢNH TỔNG HỢP VỀ THIÊN TAI MIỀN TRUNG
***
Xem video clip Cầm cự với lũ dữ |
Hàng cứu trợ của báo Dân trí đã về tới tay những người dân trong hang đá – Dantri.com.vn
Chiều 7/10, PV đã cùng với UBND huyện Minh Hóa (Quảng Bình) mang mỳ tôm, sữa trong số 100 thùng mỳ, 30 thùng sữa do Quỹ Nhân ái báo Dân trí cứu trợ cho người dân Tân Hóa đang sống trong hang đá, trên triền núi tránh lũ.
PV báo Dân trí đã bàn giao 100 thùng mỳ tôm loại lớn cùng 30 thùng sữa tươi (tổng trị giá hơn 13 triệu đồng) cho UBND huyện Minh Hóa, và trực tiếp đi canô mang một số hàng đến với người dân Tân Hóa. Các em nhỏ ở Tân Hóa vui mừng đón nhận những thùng sữa đầu tiên sau một tuần khổ sở

Tại đây, sau 5 ngày vật lộn với lũ, nhiều người dân đã kiệt quệ vì khát, lạnh và các loại bệnh như tiêu chảy cấp, đau mắt đỏ….
Hiện khoảng 2.000 người dân Tân Hóa vẫn đang sống trong cảnh màn trời chiếu đất trên những hang hốc đá, các lán trại dọc triền núi. Dù nước đã bắt đầu rút, cả xã Tân Hóa vẫn là một biển hồ với hàng trăm ngôi nhà ngập nóc.
Trong hốc đá nhỏ này, có tới 32 người dân lánh nạn
Hàng cứu trợ (chủ yếu là mỳ tôm) đã về khá nhiều ở trung tâm huyện, song vì số phương tiện hạn chế (chỉ có 2 chiếc canô của huyện và bộ đội) nên lượng hàng chuyển tới người dân các xã Tân Hóa, Minh Hóa vẫn còn khá hạn chế dù các canô đã làm việc hết công suất.
Vận chuyển nước sạch trên núi
Cứ mỗi chuyến hàng lên là một chuyến chở những bệnh nhân tiêu chảy, sốt cao về trung tâm huyện để chữa trị. Thuốc men, muối, nước sạch đã được chuyển lên, song vẫn còn thiếu so với nhu cầu quá lớn của người dân nơi đây.
Nhiều cụ già, em nhỏ đã đổ bệnh sau nhiều ngày sống giữa triền núi
Tính đến cuối ngày 7/10 toàn miền trung đã có 60 người chết, 22 người mất tích vì lũ. Riêng tỉnh Quảng Bình đã có 39 người chết, 18 người mất tích. Toàn tỉnh hiện vẫn còn hơn 100 xã bị ngập lụt, trải đều ở 6 huyện. Hiện chưa có con số thiệt hại chính thức, song theo ước tính con số thiệt hại chắc chắn hơn 1.000 tỷ đồng, bằng với ngân sách năm 2009 của tỉnh nghèo này. |
Đón nhận sữa từ tay PV Dân trí, hàng trăm em nhỏ đã không giấu được sự vui mừng, thèm thuồng sau quá nhiều ngày phải ăn mỳ tôm sống, ăn thịt bò chết và uống nước cầm hơi.
Ông Đinh Hồng Hộ – Phó Chủ tịch huyện Minh Hóa khẳng định sẽ tiếp tục đưa hàng cứu trợ của Dân trí và nhiều tổ chức, đơn vị khác về tận tay dân, không để dân đói. Huyện Minh Hóa cũng đã tổ chức quyên góp quần áo cũ để đưa đến với những người dân đã gần một tuần nay mặc một bộ đồ ướt.
Người dân vũng lũ rất cần sự ủng hộ của cộng đồng để vượt qua đói khổ
Theo ghi nhận của PV Dân trí, hiện tất cả các mặt hàng thiết yếu như mỳ tôm, lương khô, sữa, nước sạch, muối, quần áo, chăn… đều rất cần đối với người dân vùng lũ.
Có thể nói, nhiều vùng trong tỉnh Quảng Bình đã trở về thời đồ đá sau “cơn ác mộng” vừa qua. Họ rất cần những tấm lòng nhân ái để đứng dậy tiếp tục sống và chắc chắn sẽ còn rất lâu những người dân vốn đã khó khăn nơi đây mới trở lại được mức xuất phát trước cơn lũ.
Nụ cười hiếm hoi trên khuôn mặt người mẹ khi con có sữa để uống
Dân trí sẽ tiếp tục đón nhận và chuyển mọi sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm tới tay người dân các vùng lũ. Ngay trong ngày mai, Dân trí sẽ đến với người dân vùng nam Quảng Trạch, nơi chỉ còn là đống đổ nát sau trận đại hồng thủy vừa qua.
Hồng Kỹ
Tan hoang sau lũ: 66 người chết, mất tích – Tuoitre.vn
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, tính đến sáng 7-10, tổng số người chết do đợt mưa lũ tại miền Trung đã lên tới 48 người, tăng 20 người so với ngày 6-10.
Ngâm lâu ngày trong nước lũ mái nhà phủ một lớp bùn non ở Hà Tĩnh – Ảnh: Văn Định |
Theo TTXVN, Nghệ An có 5 người chết trong mưa lũ; Hà Tĩnh 7 người; Quảng Bình 33 người; Quảng Trị 3 người.
Số người mất tích 18, tăng 11 người (Nghệ An 3; Hà Tĩnh 1; Quảng Bình 14.
Hiện lũ các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình đang xuống, riêng lũ trên sông Ngàn Sâu và hạ lưu sông Kiến Giang còn ở mức cao. Dự báo lũ các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình tiếp tục xuống.
Tuy vậy, Hà Tĩnh còn bị ngập với tổng số 35 xã thuộc 6 huyện. Quảng Bình còn ngập 106 xã ở 6 huyện. Thừa Thiên-Huế còn 1.450 nhà bị ngập tại các huyện Phong Điền, Hương Trà, Quảng Điền. Riêng Quảng Trị đến 19g ngày 6 – 10 nước đã rút khỏi các nhà dân.
Tổng số tàu thuyền bị chìm, hư hỏng 41 tàu/260 người (Nghệ An 11 tàu/76 người; Hà Tĩnh 1 tàu/14 người; Quảng Trị 4 tàu/9 người; Quảng Bình 22 tàu và sà lan/158 người; Quảng Ngãi 3 tàu/3 người).
Số tàu bị trôi dạt vẫn cần trợ giúp là 4 tàu/10 người tại vùng biển Quảng Bình (QB93356/7 người, QB2269, QNg8145, QNg44533/3 người) hiện chưa liên lạc được.
Hà Tĩnh: Tan hoang vùng “rốn lũ”
Sáng 7-10, nước lũ ở Huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) vẫn đang còn chia cắt, cô lập 7 xã. Rốn lũ Phương Mỹ, Hà Linh vẫn chìm ngập trong nước lũ trắng xoá.
Sáng 7-10, tại vùng rốn lũ, Hà Linh, Phương Mỹ, nước lũ vẫn bao bọc, chia cắt. Mọi con đường đều phải đi bằng thuyền.
Ngồi trên mái nhà, một người dân Phương Mỹ cho biết: “Năm, sáu ngày rồi phải sống trên nước lũ, đến miếng ăn phải dặt dè, san sẽ”.
Lũ đang rút dần, người Phương Mỹ cứ bơ phờ, ngơ ngác. Có nhà gạo dự trữ đã hết từ lâu. Từng gói mì tôm, chai nước lọc cứu trợ gửi đến là nguồn sống duy nhất.
Trong khi đó, rốn lũ Hà Linh tan hoang không kém Phương Mỹ. Người dân vẫn ngồi trên mái nhà nôn nóng chờ nước rút. 700 hộ dân vẫn đang ngập trong lũ. Trường học, UB xã, trạm xá xã kiên cố hai tầng vận bị ngập nặng. Ngay chính quyền xã cũng chen chúc trên gác hay tầng hai.
Quảng Bình: Xóm làng xơ xác sau lũ
Sáng 7-10, phóng viên Tuổi Trẻ Online đã đến xã Quảng Văn, xã Quảng Trạch (Quảng Bình). Khắp nơi, từ những con đường đến những mái nhà đều ngập ngụa trong bùn lầy.
Phụ huynh và giáo viên trường tiểu học số 1 Quảng Văn (Quảng Trạch, Quảng Bình) dọn dẹp lau chùi bàn ghế cho con em trở lại trường ngay sau khi lũ rút sáng 7-10 – Ảnh: Quốc Nam |
Tại trường tiểu học Quảng Văn 1, rất nhiều phụ huynh đã đến giúp các thầy cô giáo trong trường dọn dẹp lau chùi bàn ghế.
Các em học sinh cũng có mặt tại trường nhưng không phải để đi học như mọi ngày mà đến để nhặt nhạnh những tập sách còn sót lại và cũng nhuốm đầy bùn lầy. Em Trần Văn Hùng, học sinh lớp 6 trường THCS Quảng Văn, ngồi lật trong đóng đồ ngổn ngang mới tìm ra được quyển sách của em trai mình đang học lớp 1 ở trường này.
Quyển sách đã nát bét, những dòng chữ đã bê bết bùn đất. “Có lẽ đem rửa đi rồi phơi thì cũng vẫn có thể dùng được. nếu không thì biết lấy đâu ra sách cho em đi học khi mà nhà cửa cũng trôi hết rồi”, em vừa nói vừa gạt lớp bùn trên những dòng chữ.
Cô Đinh Thị Phương Nhạn, hiệu phó nhà trường, cho biết ngay từ khi lũ mới xuống, nhà trường đã mời gọi giáo viên và phụ huynh đến dọn dẹp để bằng mọi cách gấp rút tổ chức tại trường lớp cho các em kịp trở lại trường.
Em Trần Văn Hùng, lớp 6 trường THCS Quảng Văn lật trong đóng bùn đất tìm sách vở cho em đang đi học – Ảnh: Quốc Nam |
Trạm y tế Quảng Văn dọn dẹp trụ sở ngổn ngang sau lũ |
Bà Trần Thị Tý, ở thôn La Hà (Quảng Văn) rưng rưng: “Lúa má lên mầm hết rồi” – Ảnh: Quốc Nam |
Nhiều người dân ở xã Quảng Văn đã bị nấm chân sau nhiều ngày ngâm trong nước lũ – Ảnh: Quốc Nam |
Ông Phạm Ngọ, ở thôn La Hà, xã Quảng Văn, Quảng Trạch bần thần nhìn 5 tấn xi măng bị lũ ngâm đã đóng cục – Ảnh: Quốc Nam |
Đáng lo nhất là sách vở tài liệu giáo áo của đa số giáo viên và học sinh đều đã bị trôi, bị hỏng.
Nhiều bà con lũ vừa rút đã bị nấm ngứa ăn chân, đỏ tấy lên từng mảng do bị ngâm lâu trong nước lũ. Trong khi đó, trạm y tế xã Quảng Văn vẫn đang ngổn ngang với rác, bùn chất chồng.
Tình hình tại các nhà dân càng bi đát hơn. Ông Phạm Ngọ, ở La Hà, Quảng Văn ngồi bần thần nhìn đóng xi măng đã đóng cục: “Mới mượn được ít tiền mua 5 tấn xi măng về để chuẩn bị sửa lại căn nhà thì lũ ập vào. Giờ thì tất cả đã bị hỏng rồi”.
Quảng Ngãi: 3 tàu bị nạn, 3 ngư dân mất tích
Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi cho biết do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, tỉnh Quảng Ngãi đã có 3 ngư dân mất tích, 2 tàu chìm và 1 tàu mất tích trên biển.
Hai tàu cá khách bị chìm gồm tàu QNg-11151 của ông Nguyễn Chưa, xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) và tàu QNg-94319 của ông Phạm Văn Em, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi).
Ngoài ra, tàu cá QNg-44533 của ông Phạm Hợi, quê thôn Thạch Bi 1, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, đang neo đậu tại cảng Sông Giang (Quảng Bình) thì bị nước lũ và sóng lớn đánh trôi mất tích.
Ba ngư dân trên tàu cá này gồm Mai Xuân Tự, Mai Hiếu, Nguyễn Văn Qua – đều ở thôn Thạch Bi 1, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ – mất tích.
Hiện nay Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi đang chỉ đạo các đồn biên phòng kiểm soát tàu thuyền ra khơi, phối hợp với máy Icom cộng đồng thường xuyên nắm bắt liên lạc với tàu thuyền trên biển, hướng dẫn tàu thuyền tìm nơi neo trú an toàn.
VĂN ĐỊNH – QUỐC NAM – THÁI LỘC – PHẠM XUÂN
Xem bài liên quan
– Chương trình “HƯỚNG VỀ MIỀN TRUNG”
– Liều mình cứu sống hơn 350 người trong lũ
– Cảm Xúc Mùa Lũ – Hướng Về Miền Trung 10/2010
– [Hình Ảnh] Chương Trình HƯỚNG VỀ MIỀN TRUNG 10/2010 – GĐPT Đức Tâm
– Ngày Mưa Sài Gòn, Nghe Người Con Phật Hát Thương Miền Trung
– Năm ngày trở về thời kỳ đồ đá
– Sinh Trên Đỉnh Lũ – Quảng Bình 10/2010