Nghi Thức Tụng Kinh Phổ Môn Cầu An
Trong Kinh Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa, Kinh Phổ Môn là Phẩm thứ 25 trong bộ Kinh Pháp Hoa.
Nội dung của Kinh Phổ Môn nói là Đức Quán Thế Âm Bồ Tát có lập thệ cứu khổ mọi ách nạn của chúng sanh, nếu chúng sanh nào hay tin tưởng Đọc-Tụng hoặc thường Niệm Danh Hiệu của Ngài.
Đức Phật Bổn Sư có dạy rõ Hạnh Nguyện riêng của Bồ Tát Quán Thế Âm. Ngài là vị Cổ Phật mà cứ hiện thân làm Bồ Tát kiếp kiếp đời đời như vậy đó là vì Bổn Nguyện riêng. Ngài thệ nguyện luôn luôn cứu chúng sanh ra khỏi 7 Nạn: thuỷ nạn, hoả tai, gió bão, đao gươm, oán tặc, lao tù, ác quỷ: đó là những khổ đau bên ngoài áp bức chúng sanh. Ngài còn hiện 32 Ứng-thân và có 19 lối Thuyết-pháp để diệt Tham-Sân-Si, phiền não ở Thân-Tâm chúng sanh. Ngoài ra, Ngài còn làm cho chúng sanh thoả mãn: Nếu ai cầu con Trai, được con Trai; ai cầu con Gái được con gái như ý muốn.
Tất cả Hạnh Nguyện cứu độ của Ngài đều phát sanh ở lòng Đại Bi. Nơi nào có chúng sanh đau khổ kêu cầu là ở đó có Ngài thị hiện. Bi Tâm của Ngài thanh tịnh, sáng suốt, vượt ra ngoài tầm nhận thức của chúng ta thế nên ở đâu có Khổ Tâm của chúng sanh động, thì Bi Tâm của Ngài động, chứng tỏ vì có Cảm mới có Ứng. Nếu chúng sanh không biết hoặc không tin tưởng lòng Từ Bi và sự nhiệm mầu của Ngài, họ không Nguyện Cầu thì Bi Tâm của Ngài không động. Kỳ thật, động hay không động là do chúng ta phân biệt chấp trước, chứ Bi Tâm của Ngài động hay không động chúng ta làm sao biết được. Nhưng Bi Tâm Ngài vẫn vô tư, bình đẳng lái thuyền từ cứu độ chúng sanh, như bể nước kia bình thản nâng đỡ ghe thuyền.
Trong Kinh Phổ Môn, ta học theo hạnh Bồ Tát Quán Thế Âm là Từ Bi, cứu khổ, vậy khi người nào chuyên tâm tụng Kinh Phổ Môn và thành tâm Niệm Danh Hiệu Ngài, tức là Người ấy đã học Hạnh của Ngài để nẩy nở đức tánh Từ Bi của mình và đồng thời tin tưởng nơi lòng yêu thương chúng sanh của Bồ Tát Quán Thế Âm thì chắc chắn đức Từ Bi của Ngài sẽ giao cảm với lòng Từ Bi của Người Cầu Nguyện. Nói cách khác, khi Tâm Tánh của Người Cầu Nguyện thanh tịnh 1 phút nào đó, tức thì lúc đó chúng ta đã cảm nhận được ánh Từ Quang của Ngài chiếu vào Tâm Tánh chúng ta vậy. Như: Biển lặng Sóng ngừng, thì in rõ nền trời xanh vào lòng biển cả, nước hồ thu trong lặng thì ánh trăng thu rọi vào.
Chúng ta phải học và theo Hạnh Nguyện Từ Bi của Ngài thì chắc chắn được Ngài đáp ứng. Lòng Từ Bi của Ngài không bỏ 1 ai, nhưng vì ai sóng lòng còn xao động, tâm tánh còn thiên tà, không tin tưởng, xưng niệm Đấng Từ Bi, không thoát được khổ lụy.
Chúng ta hãy nghĩ kỹ, những làn sóng điện trên không gian thường vẫn đưa tin tức thế giới ra giữa vũ trụ, nhưng vì những nơi không có máy thâu thanh, nên không nhận được tin tức ấy. Nếu mọi người có máy thì ai ai cũng nhận được tin tức. Máy thâu thanh là Nhân, Người phát và luồng sóng điện đưa tin là Duyên, Nhân-Duyên đầy đủ thì tin tức phát hiện. Tâm của chúng sanh tin tưởng xưng niệm là Nhân, đức Từ Bi và Thệ nguyện rộng lớn của Quán Thế Âm Bồ Tát là Duyên; Nhân-Duyên gặp gỡ cảm ứng rõ ràng hoặc thấy Ngài ứng hiện toàn thân, hoặc thấy hào quang soi đến, hoặc thấy các điềm lành khác như: chuyển hoạ thành phước, thoát khỏi lao tù, gặp thầy gặp thuốc, gió thuận buồm xuôi…hạnh phúc riêng ai nấy biết. Sự cảm ứng nầy chỉ đến với Người thành tâm xưng niệm phụng thờ, thường hay làm việc Phước-thiện Từ Bi, như tin tức chỉ đến với Người có máy thu thanh tốt.
Hơn nữa, Người nào thường sống với lòng Từ Bi, không tham lam mà Bố Thí, không giận hờn mà cho vui, hoặc nghe tiếng kêu cầu cứu khổ của kẻ khác liền ra tay tế độ, Người ấy là hình ảnh Từ Bi của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, Người đó Cầu Nguyện gì là có kết quả ngay.
Bởi thế, chúng ta tu hạnh Từ Bi của Quán Thế Âm Bồ Tát thì phải đọc tụng Kinh Phổ Môn…
Nguồn: VanHoaPhuongDong.Com
***
[important]Anh Chị Em hãy trì tụng Kinh Phổ Môn để cầu tha lực hộ trì cho Bác được mau chóng hồi phục…[/important]
– Xem và nghe bản Kinh Phổ Môn
– Tải bản kinh Phổ Môn (File Word + File Tụng)
– Xem bản Trưởng Ca Kinh Phổ Môn do nhạc sĩ Võ Tá Hân phổ nhạc
(Lưu ý: Trường Ca gồm 14 phần. Khi xem hết sẽ tự động chuyển qua phần kế tiếp, ace cũng có thể click vào mũi tên ở hai bên để di chuyển sang phần trước hoặc phần sau…)